Người tiêu dùng chờ đợi thuế nhập khẩu xe ô tô từ ASEAN giảm về 0% vào đầu 2018.
"Ôm cây" đợi thuế nhập khẩu xe ô tô về 0%
Mặc dù có mức thu nhập bình quân đầu người khá khiêm tốn, nhưng Việt Nam lại là một trong số thị trường có giá xe ô tô cao nhất hiện nay. Nguyên nhân là do thuế suất áp cho một chiếc xe hơi nhập khẩu về Việt Nam hiện được coi là cao nhất nhì thế giới. Chính vì thế, 1 chiếc xe hơi khi nhập về nước, bán ra cho người tiêu dùng đã được đẩy giá lên gấp nhiều lần giá nhập khẩu ở nước ngoài.
Nhưng theo kế hoạch, từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu các dòng xe dưới 9 chỗ từ các nước ASEAN về Việt Nam sẽ giảm từ 30% về 0%. Đây là mức giảm giá thấp nhất từ trước đến nay của thị trường nhập khẩu ô tô Việt Nam. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe từ 1.5L trở xuống giảm từ mức 40% hiện nay xuống còn 35% và xe có dung tích xi lanh từ 1.5L đến 2.0L được giảm từ mức 45% hiện nay xuống còn 40%.
Với mức giảm thuế như vậy, người tiêu dùng trong nước kỳ vọng giá xe sẽ giảm so với hiện tại. Nhiều người hy vọng khi đó sẽ được sở hữu ô tô với giá bằng ở Thái Lan, Malaysia...
Tuy nhiên, chẳng cần đợi đến 2018, ngay từ đầu năm 2017, khi thuế xe trong ASEAN mới giảm thêm 10%, số người mua xe ô tô đã tăng mạnh. Đặc biệt là mới đây, vào đầu tháng 9 vừa qua, một loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá của các hãng xe ô tô gần đây đã kéo giá của một số dòng xe xuống mức kịch sàn, thậm chí có lúc còn thấp hơn so với Thái Lan.
Mặc dù liên tục tung ra các chiêu khuyến mãi sốc nhằm kích cầu thị trường, song người mua vẫn không mấy mặn mà. Nhất là càng gần cuối năm, càng nhiều người có tâm lý đợi đến 2018 thuế giảm, giá xe sẽ tiếp tục giảm nữa, có thể lên đến cả trăm triệu đồng, nếu mua xe ô tô ngay lúc này sẽ bị "thiệt". Chính vì thế, thị trường ô tô đang có hướng “chững” lại do tâm lý chờ giá xe rẻ hơn nữa mới mua.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giá xe ô tô trong nước khó có khả năng giảm sâu vào 2018.
Chỉ ảnh hưởng đến phân khúc xe cao cấp
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù thuế nhập khẩu có giảm về 0% nhưng trong năm 2018 tới, giá xe hơi trong nước cũng khó có khả năng giảm sâu. Bởi vì ngoài thuế nhập khẩu, chúng ta còn rất nhiều "rào cản" thuế quan và phi thuế quan khác và chúng không chịu ảnh hưởng của hiệp định thương mại tự do hay các cam kết quốc tế.
Điển hình như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, hạn ngạch nhập khẩu, phí đường bộ,... Việc thay đổi các loại thuế và phí này có thể làm thay đổi giá xe nhập khẩu một cách rõ rệt, và chúng ta chưa biết được kết quả sau cùng như thế nào.
Trước đó, trả lời trên báo Thanh niên hồi đầu năm 2017, ông Phan Dương Cửu Long, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Ford cho biết: “Hiện một chiếc xe hơi phải chịu 3 loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT. Nếu lưu hành thì chịu thêm thuế trước bạ, phí đăng kiểm, phí đường bộ. Với dòng xe phổ thông có giá 500 - 600 triệu đồng/chiếc, khi thuế nhập khẩu giảm 10% như vừa qua, giá bán ra chỉ giảm được khoảng 20 triệu đồng/chiếc. Loại cao giá hơn giảm đến 50 - 100 triệu đồng tùy loại”.
Theo ông Long, lộ trình giảm thuế trong khu vực ASEAN khá lớn, nhưng nó chỉ ảnh hưởng phân khúc xe cao cấp, dung tích xi lanh trên 3.0, có giá bán vài tỷ đồng trở lên, lúc đó mới thấy rõ chênh lệch về thuế nhập khẩu.
Theo Chất lượng Việt Nam, điều quan trọng nhất để được hưởng ưu đãi thuế suất trong khu vực ASEAN là một mẫu xe bắt buộc phải đạt tỷ lệ nội địa hóa phụ tùng 40%. Đây là chi tiết ít được đề cập khi các hãng xe công bố thông số kỹ thuật, nên không dễ để xác định và nếu có, thì lượng xe đạt tiêu chuẩn này ở Việt Nam cũng không nhiều, mỗi hãng xe thường chỉ có 1-2 mẫu. Nghĩa là chỉ rất ít mẫu xe nhập từ ASEAN được giảm thuế và có thể giảm giá.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng dự báo, đến năm 2018 sẽ có nhiều mẫu xe mới được nhập khẩu từ khu vực ASEAN. Do đó, sự cạnh tranh về chủng loại xe sẽ gia tăng đáng kể.
Nguồn tin: Đăng kiểm Thanh hóa 36.03D (Đời sống Plus/GĐVN):
Ý kiến bạn đọc