13546

Trung tâm Đăng kiểm 'nhấp nhổm' vì nguy cơ chi phí tăng cao 20 lần

Thứ năm - 05/10/2017 16:51
Đại diện các Trung tâm đăng kiểm tỏ ra lo lắng khi chi phí đo thiết bị kiểm định đứng trước nguy cơ bị tăng cao gấp gần 20 lần và dây chuyển kiểm định có thể dừng hoạt động một thời gian do phải mang thiết bị ra tận Hà Nội kiểm định. 

 



Kiểm định xe ôtô tại một trung tâm đăng kiểm. (Ảnh: TTXVN)

Thực tế này bắt nguồn từ việc Bộ Khoa học và Công nghệ “nhen nhóm” ý định tham gia quản lý đối với dây chuyền thiết bị đăng kiểm. 

Giá đo thiết bị đội cao gấp gần 20 lần

Tại dự thảo sửa đổi thông tư số 23/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến các Bộ, ngành và đơn vị liên quan về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2, trong đó có quy định 10 thiết bị phục vụ đăng kiểm xe cơ giới sẽ phải kiểm định hàng năm bởi các đơn vị kiểm định thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng thay vì đơn vị đang thực hiện chức năng này là Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo đại diện các đơn vị đăng kiểm, những bộ phận thiết bị trong một dây chuyền kiểm định đồng bộ không tách rời khi hoạt động và hiện đang được Chính phủ giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam định kỳ hàng năm, kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra trong các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, được quy định tại Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính Phủ.

Ngoài ra, tại Luật Giao thông đường bộ giao Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch và quản lý thống các đơn vị đãng kiểm xe cơ giới từ năm 1995 đến nay đã và đang hoạt động rất định, phát triển tốt đáp ứng nhu cầu kiểm định của xã hội, đo đó, các đơn vị đăng kiểm nhìn nhận, việc quy định thêm Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia quản lý đối với dây chuyền thiết bị chuyên ngành là không cần thiết và gây tình trạng quản lý chồng chéo giữa các cơ quan Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp, tốn kém, lãng phí tiền của xã hội.

Khẳng định việc phải tháo, tách rời từng bộ phận thiết bị trong dây chuyền kiểm định đồng bộ của các đơn vị đăng kiểm trên khắp các địa phương để chuyển đến Viện đo lường Việt Nam để kiểm định là không thể thực hiện, ông Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 2903S (Hà Nội) chỉ ra, nguyên nhân là do các bộ phận thiết bị trong dây chuyền đồng bộ không thể tách rời khi hoạt động; việc tháo rời các bộ phận thiết bị trên dây chuyền đi kiểm định, khi đưa vào hoạt động trở lại phải được kiểm tra, đánh giá lại của cơ quan quản lý chuyên ngành theo định.

Theo ông Hải, đặc thù các bộ phận thiết bị kiểm định cồng kềnh nên việc vận chuyển thiết bị dễ gây ra hư hỏng, không đảm bảo điều kiện kiểm tra. Với các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, quá trình trên có thể thực hiện. Tuy nhiên, với các trung tâm đăng kiểm ở tỉnh xa như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai… vấn đề sẽ rất phức tạp.

“Khi tháo rời thiết bị đem đi kiểm định đồng nghĩa với việc ngưng trệ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới của đơn vị và ảnh hưởng đến hoạt động vận tải của các doanh nghiệp và người dân tại các địa phương,” ông Hải nhấn mạnh.

Đặc biệt, các đơn vị đăng kiểm thừa nhận sự lo lắng về giá kiểm định phương tiện đo nhóm 2 quá cao (theo thông báo của Viện Đo lường Việt Nam là khoảng trên 55 triệu đồng/dây chuyền kiểm định so với chi phí kiểm tra hiện nay là 3,1 triệu đồng/dây chuyền). Vì vậy, mỗi đơn vị đăng kiểm có thể phát sinh khoảng 180-200 triệu đồng chi phí mỗi năm.

“Với nguồn thu phí kiểm định hiện tại theo quy định, các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới không đáp ứng được các chi phí kiểm định, đo lường các phương tiện đo nhóm 2 theo quy định mới này,” đại diện một đơn vị đăng kiểm phân tích.

Không thể tăng giá kiểm định xe

Với tần suất kiểm định khoảng 100 xe cơ giới/ngày, ông Đặng Trần Khanh, Giám đốc Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 2903V (Hà Nội) cho rằng, các đơn vị luôn tuân thủ các quy định pháp luật của Luật giao thông đường bộ và Luật Đo lường. Từ trước đến nay, các thiết bị này do Cục Đăng kiểm Việt Nam hiệu chuẩn. 

“Nếu giao cho quá nhiều đơn vị kiểm tra sẽ dẫn đến chồng chéo vì thế nên quy định về một đầu mối là Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý thực hiện đối với các dây chuyền thiết bị chuyên ngành và Bộ Khoa học và Công nghệ có thể thanh kiểm tra, hậu kiểm xác suất dây chuyền kiểm này,” ông Khanh bày tỏ quan điểm.


Kiểm tra hệ thống gầm xe ôtô tại một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Đặt câu hỏi đến việc tăng giá kiểm định xe cơ giới để các đơn vị đăng kiểm bù đắp các chí phí phát sinh cũng như duy trì và phát triển hoạt động kiểm định, ông Khanh cho rằng, giá kiểm định được Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính xây dựng trên cơ sở giá hiện hành. Ngành đăng kiểm hoạt động cung cấp dịch vụ công với mục tiêu đảm bảo an toàn kỹ thuật và môi trường chứ không phải lợi nhuận. 

“Giá dịch vụ đăng kiểm được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên các cơ quan quản lý Nhà nước đã có bước khảo sát giá dựa trên các yếu tố đầu vào để đưa ra giá kiểm định xe. Với giá thành kiểm định phương tiện hiện nay tương đối thấp, chỉ đủ các đơn vị trả lương công nhân viên và tái đầu tư cơ sở vật chất, dây chuyền kỹ thuật,” Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 2903V nói.

Theo ông Khanh, đơn vị đăng kiểm không được quyền tăng giá kiểm định xe vì nếu Nhà nước "buông" sẽ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh về giá giữa các Trung tâm Đăng kiểm. Hiện, cả nước có hơn 150 Trung tâm Đăng kiểm, nếu áp dụng theo chi phí kiểm định thiết bị mới và chi phí kiểm tra thì sẽ rất tốn kém, ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị.

“Nếu tăng giá kiểm định xe thì đơn vị sẵn sang mang dây chuyền về Viện Đo lường kiểm định nhưng việc tăng giá này sẽ đánh trực tiếp vào ‘túi tiền’ của chủ xe mang phương tiện đến đăng kiểm,” ông Khanh chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, việc có thêm tổ chức kiểm định là không cần thiết và làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi dây chuyền thiết bị kiểm định xe cơ giới có các yêu cầu kỹ thuật riêng của nhà sản xuất về sử dụng mẫu, tiêu chuẩn đánh giá cũng như đào tạo người sử dụng, kiểm tra, đánh giá thiết bị và Cục Đăng kiểm thực hiện với đầy đủ các trang thiết bị kỹ thuật và nguồn nhân lực được đào tạo cấp chứng nhận.

“Cục Đăng kiểm kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ không đưa các bộ phận thiết bị kiểm tra trong dây chuyền kiếm định xe cơ giới vào danh mục phương tiện đo nhóm 2,” ông Trí nói./.
Liên quan đến kiến nghị của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trước việc quản lý chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các thiết bị kiểm định xe cơ giới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền.

Nguồn tin: VIỆT HÙNG (VIETNAM+)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

H
TT Đăng Kiểm XCG 36.06D
g
 
TT Đăng Kiểm XCG 36.03D
ban do 1
  • Đang truy cập27
  • Hôm nay1,448
  • Tháng hiện tại42,063
  • Tổng lượt truy cập2,647,493
Footer
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây