Bức xúc vì các bất cập
Trước đó, như Báo Lao Động đã phản ánh, bên cạnh việc kiểm tra do Bộ GTVT triển khai hàng chục năm nay theo luật Đường bộ, hằng năm các trung tâm đăng kiểm đang và sẽ phải chịu thêm một lần kiểm định thiết bị đăng kiểm do Bộ KHCN chủ trì theo Luật Đo lường với chi phí cao hơn cả chục lần.
Cụ thể, theo báo giá của Viện Đo lường (Tổng cục TĐC), chi phí kiểm định 10 loại thiết bị thuộc dây chuyền đăng kiểm ôtô (kiểm tra phanh, đo độ trượt ngang, phân tích khí xả...) lên tới 55.125.000 đồng, nhưng chưa bao gồm “chi phí vận chuyển chuẩn đo lường và cán bộ”. Trong khi đó, mức giá kiểm chuẩn các thiết bị của dây chuyền đăng kiểm xe cơ giới do Cục Đăng kiểm thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính là 450.000 đồng/thiết bị, tương đương với 4,5 triệu đồng cho 10 loại thiết bị nói trên.
Tại hội thảo, đại diện một Trung tâm Đăng kiểm tại Hải Phòng cho biết đã “thấm đòn” về thông tư này và từng bị Sở KHCN xử phạt vi phạm hành chính cả chục triệu đồng. Chưa kể, DN phải tháo thiết bị mang lên Hà Nội kiểm định bởi tại địa phương không có đơn vị đủ khả năng thực hiện. “Chúng tôi mất 3 ngày để tháo lắp mang lên đo lường, 3 ngày sau lại lắp lại, mời Cục đăng kiểm hiệu chuẩn, mở mật khẩu ra kết nối vào một dây chuyền ổn định. Trước đây khi lập dự án trung tâm đăng kiểm chúng tôi đã phải tính toán các khoản phải chi, giờ đùng một cái kiểm định với trên trời, phải nghỉ hơn 10 ngày để tháo lắp… DN chúng tôi đang lâm vào khốn khó!” - đại diện này bức xúc nói.
Trong khi đó, ông Mai Đại Độ - Giám đốc trung tâm đăng kiểm Tuyên Quang - cho rằng, việc các phương tiện đo được xếp vào nhóm 2 và phải được Tổng cục Đo lường chất lượng kiểm định và cấp phép 12 tháng/lần là bất hợp lý. Sau khi kiểm định, đánh giá chất lượng xong các đơn vị phải sửa chửa, bảo trì còn như quy định yêu cầu buộc phải kiểm định lại rất phiền cho DN. Ngoài ra, đại diện này cũng cho rằng, trong công tác kiểm định còn rất nhiều khó khăn, nếu đưa các trung tâm kiểm định về các tỉnh thì rất tốt.
Sẽ tiếp thu để chỉnh sửa
Ghi nhận và thông cảm với những bức xúc từ phía doanh nghiệp, phía Tổng cục TĐC cho biết sẽ tiếp thu để chỉnh sửa Thông tư 23. Đồng thời khẳng định, Viện đo lường không tùy tiện đưa ra báo giá. Mức giá trên được xây dựng trên cơ sở các trung tâm đăng kiểm cung cấp, từ đó đưa ra cơ sở báo giá 12 lĩnh vực đo lường trên cơ sở đặc tính kỹ thuật của đơn vị đo. Mặt khác, phía Tổng cục TĐC cũng khẳng định chưa có văn bản nào yêu cầu các trung tâm đăng kiểm tháo rời các trang thiết bị đưa về số 8 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Được biết, từ đầu năm 2017, Tổng cục đã tổ chức nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26.9.2013. Ngày 17.2.2017, Bộ KHCN đã có Công văn số 436/BKHCN-TĐC gửi các bộ, ngành đề xuất phương tiện đo nhóm 2.
Ngày 25.7.2017, Bộ KHCN đã có Công văn số 2432/BKHCN-TĐC kèm theo dự thảo thuyết minh, dự thảo Thông tư gửi các bộ, ngành xin ý kiến, đồng thời đăng tải Cổng thông tin điện tử của Bộ KHCN để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân. Tổ chức các hội thảo, nghiên cứu ý kiến góp ý, chỉnh lý dự thảo Thông tư và giải trình tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan. Hiện tổng cục đang hoàn chỉnh Hồ sơ dự thảo Thông tư theo quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Nguồn tin: Đăng kiểm Thanh hóa 36.03D (LAODONG.COM.VN)
Ý kiến bạn đọc