Hệ thống đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc đang áp dụng theo một mức giá dịch vụ kiểm định chung
Hiện có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc áp dụng cơ chế giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo Luật Giá. Đồng thời tranh cãi việc nên áp khung giá hay để tự các đơn vị đăng kiểm quyết định nhằm tạo điều kiện cạnh tranhvà nâng cao chất lượng dịch vụ đăng kiểm.
Trung tâm đăng kiểm than phiền vì cơ chế giá mới
Theo Thông tư số 238 của Bộ Tài chính, từ 1/1/2017, lĩnh vực kiểm định xe cơ giới đang lưu hành áp dụng cơ chế giá dịch vụ kiểm định theo Luật Giá, thay cho cơ chế phí kiểm định như trước. Tuy vậy, khảo sát của PV Báo Giao thông tại các trung tâm đăng kiểm, các mức giá dịch vụ đăng kiểm chưa có bất kỳ sự thay đổi nào mà vẫn giữ nguyên như cũ.
Đơn cử, giá đăng kiểm ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi vẫn ở mức 240.000 đồng; xe tải có khối lượng hàng được chở đến 2 tấn là 280.000 đồng; xe tải được chở trên 2 tấn đến 7 tấn là 320.000 đồng.
Tương tự, các mức lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm, tem đăng kiểm cũng giữ nguyên như trước, trong đó 100.000 đồng/lần/xe con và 50.000 đồng/xe tải.
"Mức giá dịch vụ đăng kiểm được điều chỉnh tăng, áp dụng từ năm 2014, đến nay cơ bản phù hợp. Nếu so với các nước trong khu vực là thấp hơn, nhưng nếu đặt vấn đề tăng giá dịch vụ là không ổn, bởi giá phải tính trên giá thành, công suất lượt kiểm định, tổng chi phí chia bình quân để ra được giá. Còn chuyện đơn vị đăng kiểm ra đời nhiều khiến cùng một “miếng bánh” bị chia ra, có đơn vị ít xe đến đăng kiểm, bị lỗ mà đòi tăng giá là không ổn.Ngược lại, nếu đưa ra khung giá, nơi thấp, nơi cao sẽ dẫn đến tình trạng cùng một phương tiện nhưng đơn vị đăng kiểm này thu một giá, chỗ kia một giá dẫn đến cạnh tranh loạn và khó kiểm soát. Vì vậy, cơ quan chức năng mới quy định giá cố định chứ không quy định khung giá."
Ông Võ Thanh Bình: Trưởng phòngTài chính - Kế toán (Cục Đăng kiểm VN)
Lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm đều khẳng định, về phía khách hàng đi đăng kiểm không gặp khó khăn trở ngại gì và giá kiểm định không thay đổi so với trước. Tuy nhiên, bản thân các trung tâm đăng kiểm, sau khi áp dụng cơ chế giá lại phát sinh thêm nhiều thủ tục “lòng vòng” trong việc nhận lại một phần mức thu lệ phí (lệ phí cấp tem, giấy chứng nhận đăng kiểm).
Cụ thể, trước năm 2017, khi áp dụng theo cơ chế phí, các trung tâm đăng kiểm được giữ lại luôn 10% mức thu lệ phí và nộp vào cơ quan thuế địa phương 90%. Còn theo cơ chế giá, các đơn vị phải nộp toàn bộ số tiền thu được từ lệ phí vào cơ quan thuế, sau đó báo cáo, làm hồ sơ đề nghị Sở Tài chính, Sở GTVT địa phương để được trích lại một phần lệ phí, mức từ 10 -20% khoản thu lệ phí. Dù quy định như vậy, nhưng thực tế sau hơn 6 tháng, nhiều trung tâm chưa nhận được phần trích lại lệ phí, trong khi cơ quan chức năng địa phương cũng chưa quyết được tỷ lệ để lại cho các trung tâm là bao nhiêu.
Ông Phạm Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-01S Hà Nội cho biết: “Từ đầu năm đến nay, các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội chưa nhận được phần trích từ khoản thu lệ phí kiểm định xe đã nộp, cũng chưa thấy Sở Tài chính và GTVT thống nhất sẽ trích lại như thế nào”.
Tương tự, ông Chu Văn Khang, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Bắc Giang cho biết: “Theo quy định mới, các trung tâm đăng kiểm được hưởng 10-20% trích lại từ nguồn lệ phí, nhưng cơ quan chức năng địa phương chưa xây dựng được phần trích lại nên cũng không biết sẽ được hưởng bao nhiêu”.
Đề cập vấn đề này, ông Võ Thanh Bình, Trưởng phòng Tài chính-Kế toán (Cục Đăng kiểm VN) thừa nhận: “Trước đây, các trung tâm được trích lại ngay nhưng giờ phải nộp hết qua ngân sách rồi sau đó xin qua Sở Tài chính để được cấp trở lại phần trích thu từ lệ phí. Về mặt nguyên tắc, các trung tâm đăng kiểm được lợi hơn, bởi được trích lại 10-20% khoản thu lệ phí, nhưng đúng là quy trình phức tạp hơn”.
Có ý kiến cho rằng, cơ chế dịch vụ kiểm định một giá như hiện nay chưa phù hợp vơíxu hướng xã hội hóa đầu tư đăng kiểm
Có nên áp khung giá trần?
Khoảng 2-3 năm gần đây, xu hướng xã hội hóa đầu tư các trung tâm đăng kiểm và chuyển đổi các đơn vị đăng kiểm từ đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương, điển hình như: Quảng Ninh, Sơn La, Hà Nội... Xu hướng này tạo điều kiện cho chủ phương tiện được lựa chọn đơn vị đăng kiểm, cũng như thúc đẩy các trung tâm đăng kiểm nâng chất lượng, thái độ phục vụ để thu hút khách hàng.
Việc chuyển đổi cơ chế phí sang giá dịch vụ đăng kiểm để tạo thuận lợi hơn cho đơn vị đăng kiểm tăng nguồn thu từ lệ phí. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, với cơ chế một giá như hiện nay chưa phù hợp với xu hướng xã hội hóa đầu tư, khiến có trung tâm có vị trí đắc địa đông khách, còn trung tâm ở nơi không thuận lợi rất ít khách. Điều này cũng dẫn đến hiện tượng cạnh tranh ngầm, không lành mạnh giữa một số đơn vị đăng kiểm.
Ông Mai Quốc Vinh, nguyên giám đốc một trung tâm đăng kiểm kể, có thời điểm một trung tâm đăng kiểm xã hội hóa mới mở ở cùng địa phương cạnh tranh bằng cách tặng 200.000 đồng cho mỗi xe vào đăng kiểm để tranh khách. Sau đó, trung tâm của ông phải xin phép Sở Công thương mở chương trình tri ân khách hàng tặng dầu xe máy cho xe vào đăng kiểm. Tuy nhiên, việc làm của hai đơn vị này đều bị Cục Đăng kiểm VN “tuýt còi”.
Tương tự, theo thông tin PV Báo Giao thông có được, một đơn vị đăng kiểm xã hội hóa mới mở ở tỉnh B. còn thực hiện chính sách trả cho người dẫn xe đến trung tâm 100.000 đồng/xe để cạnh tranh với trung tâm khác cùng địa phương.
Liên quan vấn đề nên hay không tạo cơ chế giá linh hoạt trong dịch vụ đăng kiểm, ông Phạm Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29-01S cho rằng, mức giá mà Bộ Tài chính đưa ra hiện nay là thấp, bởi chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra, nhất là mặt bằng và nhân công rất lớn. Vì vậy, nên quy định mức giá trần để tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp. “Tôi cho rằng, nên quy định mức giá trần dịch vụ kiểm định, có thể gấp đôi hiện nay, còn mức sàn tùy doanh nghiệp chủ động. Nếu doanh nghiệp tính toán thời gian khấu hao nhanh sẽ đưa ra mức giá cao hơn, còn thời gian khấu hao lâu dài có thể đưa ra mức giá thấp hơn để cạnh tranh về giá”, ông Thắng nói.
Trong khi đó, ông Mai Quốc Vinh cho biết, mức giá dịch vụ đăng kiểm hiện nay mới chỉ tạm đủ thu bù chi. Do vậy, các nhà đầu tư khá dè dặt vì không biết xây dựng mức giá khác trên cơ sở nào. “Mô hình trung tâm đăng kiểm vẫn đan xen giữa đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị thuộc doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa một phần hoặc xã hội hóa hoàn toàn nên giai đoạn hiện nay có thể tiếp tục áp dụng cơ chế một mức giá chung. Về lâu dài, khi tất cả các đơn vị đăng kiểm cùng “nằm trên một mặt phẳng”, nên tính đến cơ chế giá linh hoạt”, ông Vinh đề xuất.
Nguồn tin: Đăng kiểm Thanh hóa 36.03D (baomoi.com)
Ý kiến bạn đọc