Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT), hiện mới có gần 15.500 xe kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên, xe đầu kéo, xe container lắp camera giám sát theo quy định, đạt tỷ lệ 7,5% tổng số xe, trong khi chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến thời điểm phải lắp (31/12). Nhiều chủ xe, lái xe đang có tâm lý “ngóng” chờ lùi thời hạn. Các địa phương có tỷ lệ phương tiện lắp đặt cao là: Nghệ An hơn 58%, Thanh Hóa hơn 52%, Quảng Ngãi hơn 40%, còn lại hầu hết các tỉnh có tỷ lệ phương tiện lắp đạt dưới 20%...
Qua tìm hiểu, tại các trung tâm đăng kiểm của Hà Nội, các xe thuộc diện phải lắp camera đi kiểm định phương tiện định kỳ đều không lắp camera để lưu trữ hình ảnh, truyền dữ liệu hình ảnh cho cơ quan quản lý vận tải, viện dẫn nhiều lý do.
Anh Nguyễn Đức Long, lái xe đầu kéo ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, công ty anh có có hơn chục xe đầu kéo, nhưng đến nay chưa xe nào lắp camera. Với giá xăng tăng cao, thêm ảnh hưởng bởi dịch thời gian dài không chạy, hiện nay, công ty phải bỏ thêm hàng chục triệu đồng để lắp camera sẽ là khó khăn không nhỏ. Trước đây, khi mới có quy định xe vận tải phải lắp camera trước ngày 1/7/2021, công ty cũng chủ trương lắp, nhưng sau đó được hoãn đến 31/12/2021...
Nghị định số 10/2020/CP của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, nhóm xe phải lắp camera trước ngày 1/7/2021 và đã lùi thời hạn tới ngày 31/12. Theo ý kiến của lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm, trường hợp xe sau ngày 31/12/2021 vẫn chưa lắp camera giám sát, các đơn vị đăng kiểm sẽ từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện.
Bên cạnh đó, khi tham gia giao thông, sau thời điểm 31/12, các xe vận tải chưa lắp sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt nếu kiểm tra, phát hiện.
Ngoài ra, trường hợp xe có thời hạn đăng kiểm từ nay đến 31/12/2021, nhưng chưa lắp camera giám sát, sau đó lắp trước hạn đăng kiểm tiếp theo và đề nghị bổ sung vào giấy chứng nhận đăng kiểm có thể phải kiểm định lại toàn bộ phương tiện, phải trả phí, lệ phí như kiểm định bình thường. Vì vậy, việc lắp camera giám sát sau khi được kiểm định, được ghi trong giấy chứng nhận còn làm căn cứ để xuất trình khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.
Kiên quyết xử phạt nghiêm
Đây là lần thứ 4 Bộ GTVT đốc thúc các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về lắp camera giám sát hành trình. "Các sở GTVT cần chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị vận tải kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm việc lắp đặt camera trên xe để ghi, lưu trữ hình ảnh trong quá trình tham gia giao thông đối với các phương tiện thuộc diện phải lắp theo Nghị định số 10/2020", Bộ GTVT yêu cầu.
Đối với bến xe khách, bến xe hàng, Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kiểm tra các phương tiện ra, vào bến thực hiện nghiêm các điều kiện về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định; tuyên truyền đến lái xe, doanh nghiệp vận tải phải lắp đặt camera trên xe ô tô để tránh bị xử phạt từ ngày 1/1/2022.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các sở GTVT giao Thanh tra giao thông phối hợp kiểm tra các phương tiện trước khi xe xuất bến và trong quá trình khai thác hoạt động kinh doanh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không lắp camera trên xe theo quy định. Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 5/12/2021.
"TCĐBVN phối hợp với Vụ Vận tải (Bộ GTVT) kiểm tra việc thực hiện tại địa phương có số lượng lớn phương tiện thuộc diện phải lắp camera hoặc tỷ lệ lắp còn thấp", Bộ GTVT yêu cầu.
Nghị định 100/2019 quy định xử phạt đối với lái xe, doanh nghiệp vi phạm lắp camera như sau: Đối với lái xe, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng với người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải khách và hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
Đối với doanh nghiệp, phạt tiền từ 5-6 triệu đồng với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1-3 tháng đối với xe vi phạm.
Nguồn tin: baotintuc.vn:
Ý kiến bạn đọc