Ảnh minh họa.
Trả lời về tính pháp lý liên quan đến việc xe chưa nộp phạt lỗi vi phạm giao thông bị dừng kiểm định, sáng 6/10, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho rằng: "Phía đăng kiểm có đủ cơ sở để làm việc đó, dù đây không phải cơ quan trực tiếp xử phạt vi phạm lỗi giao thông của chủ phương tiện".
Viện dẫn Thông tư 70/2015 của Bộ Giao thông, đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói trong đó có điều khoản cho phép: "Không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định".
Nhiều chủ xe ở Hà Nội chưa được đăng kiểm vì chưa nộp phạt nguội. Ảnh minh hoạ: Bá Đô
"Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan đăng kiểm được phép tạm thời chưa đăng kiểm với các phương tiện nằm trong danh sách cơ quan cảnh sát giao thông thông báo về vi phạm hành chính giao thông đường bộ là có cơ sở", đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói và giải thích cách hiểu đúng là "tạm thời chưa đăng kiểm" chứ không phải "từ chối".
Trước quan điểm của luật sư cho rằng việc phạt lỗi giao thông và đăng kiểm là hai chủ thể tách biệt, nếu ràng buộc là trái luật, đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định "hoàn toàn có cơ sở và không trái luật" và việc phối hợp này nhằm xác định người vi phạm giao thông song không nộp phạt.
Cục cho rằng, Luật Giao thông đường bộ có quy định cho phép Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ liên quan để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Việc phối hợp cung cấp thông tin về chủ phương tiện vi phạm giao thông với đơn vị Đăng kiểm của Bộ Giao thông Vận tải nằm trong quy định đó.
Trước các ý kiến trái chiều, sáng 6/10, ông Đồng Ngọc Ba (Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) cho biết, trong vài ngày tới đơn vị sẽ họp xem xét "về việc Cục Đăng kiểm Việt Nam từ chối kiểm định" thì có đúng với tinh thần Thông tư 70/2015 hay không. Trên cơ sở đó, Cục có phản hồi cụ thể.
Trước đó ngày 4/10, trao đổi với báo chí, lãnh đạo phòng Xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) khẳng định việc từ chối đăng kiểm đối với xe vi phạm giao thông chưa nộp phạt nguội là đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 70/2015.
Vì sao cảnh sát giao thông phối hợp với cơ quan đăng kiểm?
Cục Cảnh sát giao thông giải thích thời gian qua công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, người dân chưa hiểu thông suốt dẫn đến thiếu sự hợp tác với cảnh sát giao thông. Vì thế hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính qua hình ảnh chưa cao.
Nhiều trường hợp cơ quan cảnh sát gửi giấy mời đến ba lần mà chủ phương tiện không tới làm việc nên phải chuyển dữ liệu phối hợp với cơ quan đăng kiểm xác định người vi phạm, sau đó hướng dẫn họ đến cơ quan cảnh sát giao thông nộp phạt.
Trong trường hợp khi chủ phương tiện chấp hành quyết định xử phạt cũng như giúp tìm ra người vi phạm trong trường hợp cho thuê xe, cho mượn xe, cơ quan công an sẽ có thông báo trở lại cơ quan đăng kiểm.
"Như vậy, việc này không những tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện mà còn giúp các bên tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đảm bảo thực hiện triệt để quyết định xử phạt vi phạm hành chính", Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh.
Xây dựng hệ thống tra cứu lỗi vi phạm trên mạng
Cục Cảnh sát giao thông sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu với cơ quan đăng kiểm để tránh "thông báo đi, thông báo lại".
Đơn vị này sẽ xây dựng, triển khai đồng bộ hệ thống tra cứu vi phạm điện tử trên cổng thông tin điện tử của công an tỉnh, thành phố hoặc Phòng cảnh sát giao thông để người dân có thể tra cứu thông tin vi phạm qua biển số xe của mình (TP HCM và Đà Nẵng đang thí điểm thực hiện).
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính từ tháng 1 đến 15/9, cả nước có trên 16.000 phương tiện vi phạm được lực lượng chức năng thông báo trên hệ thống. Tuy nhiên đến nay mới có 5.500 chủ xe chấp hành và được đăng kiểm trở lại.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông hiện nay, việc xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera đang được áp dụng tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Biên Hòa (Đồng Nai), Bạc Liêu, Cần Thơ, Nghệ An, Phú Yên…. và một số tuyến cao tốc. Tuy nhiên số người được gửi giấy báo đến cơ quan công an nộp phạt mới chỉ đạt trung bình 50%.
Mấy tháng gần đây cả trăm chủ xe ở Hà Nội đi đăng kiểm bất ngờ biết bị tạm dừng do chưa nộp tiền phạt nguội. Trong chín tháng đầu năm 2017, phòng CSGT Hà Nội phát hiện gần 5.000 trường hợp vi phạm trong đó 3.600 trường hợp đến chấp hành quyết định xử phạt, tỷ lệ đạt 73,6%.
Nguồn tin: VnExpress
Ý kiến bạn đọc