13546

Các loại đèn báo thông dụng trên xe mà bạn cần biết

Chủ nhật - 06/08/2017 07:47
Chiếc xe có rất nhiều điều muốn nói nhưng bạn cần phải biết và hiểu được ngôn ngữ của nó. Mỗi đèn cảnh báo trên bảng táp lô đều có ý nghĩa riêng nhất định, bạn đã nắm rõ được hết những ý nghĩa đó chưa?

 

Chú ý: Khi khởi động xe, các hệ thống sẽ bắt đầu tự kiểm tra làm cho tất cả đèn cảnh báo đồng loạt sáng lên và sau đó sẽ tắt nếu không phát hiện hư hỏng. Mỗi nhà sản xuất đều có thiết kế kiểu dáng đèn khác nhau nên bạn cần đọc sổ tay hướng dẫn sử dụng xe để biết thêm thông tin.
1. Đèn báo áp suất dầu ở mức thấp. 

Nếu đèn này bật sáng thì hãy tắt động cơ ngay lập tức vì nếu động cơ hoạt động ở áp suất dầu thấp sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể là rò rỉ dầu trong động cơ hoặc bơm dầu bị hư hỏng.
2. Đèn cảnh báo nhiệt độ động cơ. 

Đèn này bật sáng khi động cơ quá nóng. Tắt động cơ ngay lập tức để tránh bó kẹt các chi tiết gây ra hư hỏng nghiêm trọng. Trên một số loại xe, đèn này có màu xanh thể hiện động cơ có nhiệt độ bình thường, khi động cơ quá nóng nó sẽ chuyển sang màu đỏ. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu dung dịch làm mát hay van hằng nhiệt bị kẹt.
Chú ý: Không bao giờ mở nắp bộ tản nhiệt khi động cơ đang nóng, dung dịch làm mát sẽ trào ra và có thể khiến bạn bị bỏng nặng

3. Cảnh báo lỗi ắc quy, máy phát điện.

Điều này cho thấy hệ thống sạc ắc quy đang có vấn đề khi xe đang vận hành. Nếu hệ thống sạc bị hư hỏng, bình ắc quy sẽ cạn và xe sẽ ngừng hoạt động, do đó hãy tắt hết các thiết bị tiêu thụ điện như A/C, dàn âm thanh, đèn nội thất… và lái ngay tới trạm bảo dưỡng hay garage để sửa chữa khi đèn này bật sáng.
4. Đèn cảnh báo phanh tay.

Có hai trường hợp:
+ Quên nhả phanh tay khi lái xe: Khác với phanh chân, phanh tay (hay còn gọi là phanh đỗ) có một cơ cấu con cóc – bánh cóc để gài lại khi đỗ xe, cơ cấu này cần phải được mở thì phanh tay mới ngưng hoạt động. Nếu bạn quên nhả phanh tay thì đèn cảnh báo sẽ vẫn cứ sáng và không tắt.
+ Đèn phanh sáng lên khi nổ máy, 5 phút sau lại tắt và liên tục lặp lại như vậy: mức dầu trong bình chứa dầu phanh thấp (nằm dưới mức “ADD” trên bình chứa) có thể do nhiều nguyên nhân như rò rỉ dầu, bố phanh quá mòn, … Cần kiểm tra kĩ khi thay dầu.
5. Đèn cảnh báo ABS. 

Điều này cho thấy có vấn đề với hệ thống chống bó cứng phanh. Bạn vẫn có thể phanh chân bình thường nhưng tính năng này sẽ không hoạt động khi phanh gấp ở tốc độ cao.
6. Đèn cảnh báo động cơ. 

Nếu đèn sáng liên tục thì động cơ lúc này đang gặp một sự cố nhỏ trong hệ thống kiểm soát khí xả, tuy không quá nghiêm trọng nhưng cũng cần được sửa chữa càng sớm càng tốt. Khi đèn nhấp nháy nghĩa là đang có vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như hư hỏng trong động cơ làm bộ xúc tác nóng quá mức và dễ dàng bắt lửa. Đôi khi nguyên nhân đèn sáng còn do nắp bình xăng chưa được đậy kín. Do đó, nếu bạn đậy kín nắp bình xăng thì có thể làm cho đèn tắt sau một quãng thời gian lái xe. Ngoài ra, trên một số xe còn có đèn cảnh báo nắp bình xăng riêng biệt, nó sẽ báo hiệu thay cho đèn Check Engine khi nắp bình xăng chưa được đóng kín.
7. Đèn báo cần bảo dưỡng xe. 


Một số xe sử dụng loại đèn này thay thế đèn Check Engine để chỉ ra các hư hỏng trong động cơ, đôi khi nó chỉ có chức năng là đèn báo hiệu cho bạn biết chiếc xe cần được bảo dưỡng. Hãy tham khảo sổ tay hướng dẫn sử dụng xe để biết thêm thông tin chi tiết.
8. Cảnh báo hệ thống cân bằng điện tử.

Điều này cho thấy hệ thống cân bằng điện tử đang hoạt động. Đèn sẽ nhấp nháy khi hệ thống đang làm việc và xe bắt đầu trượt. Đèn này là để cảnh báo bạn nên lái xe cẩn thận.
9. Hệ thống cân bằng hay hệ thống kiểm soát lực kéo đang tắt.

Khi bạn tắt hệ thống kiểm soát lực kéo hay hay hệ thống cân bằng, đèn này sẽ bật sáng nhằm báo hiệu cho người lái biết là hệ thống đang tắt và bạn nên bật lại hệ thống khi cần thiết. Trên một số loại xe, đèn cảnh báo kiểm soát lực kéo là hình ảnh của một chiếc lốp với chữ “TC” bên trong.
10. Đèn cảnh báo trợ lực lái điện. 

Nhiều mẫu xe ngày nay sử dụng hệ thống trợ lực lái điện thay vì trợ lực thủy lực vì nó giúp tăng tính tiết kiệm nhiên liệu. Nếu có vấn đề trong hệ thống thì đèn này sẽ sáng và bạn hãy kiểm tra càng sớm càng tốt.
11. Đèn báo lượng nhiên liệu thấp. 

Khi đèn này bật sáng có nghĩa là lượng nhiên liệu chỉ còn khoảng 15-20% dung tích của bình nhiên liệu và chiếc xe chỉ có thể chạy thêm khoảng 50-90km nữa. Tuy nhiên, nếu bạn lái xe khi đèn này sáng trong thời gian dài là điều không tốt bởi vì trong bình chứa nhiên liệu có một bộ phận bơm giúp đưa nhiên liệu đến động cơ, đồng thời nhiên liệu trong bình sẽ làm mát và bôi trơn bơm. Nếu mức nhiên liệu thấp, bơm sẽ không được bôi trơn và làm mát dẫn đến các hư hỏng do bơm bị quá nhiệt.
12. Đèn cảnh báo áp suất lốp ở mức thấp. 

Đèn này sáng khi áp suất lốp xe thấp hơn mức tiêu chuẩn khoảng 25%. Nếu tiếp tục lái xe khi đèn sáng sẽ làm tăng sự hao mòn cho lốp khiến việc điều khiển xe sẽ khó khăn hơn, nhất là ở tốc độ thấp và áp suất lốp không đều sẽ gây ra nguy hiểm do hệ số bám đường giảm.Trên các dòng xe giá rẻ hiện nay, khi có một lốp bị áp suất thấp thì đèn này sẽ sáng nên bạn cần kiểm tra toàn bộ để biết là lốp nào. Ngoài ra trên các dòng xe hiện đại, có một hệ thống tiên tiến hơn cho phép bạn biết được chính xác áp suất của mỗi lốp xe.
13. Đèn cảnh báo chưa thắt dây đai an toàn. 

Hãy luôn luôn đeo dây đai an toàn để tự bảo vệ bản thân. Nếu bạn quên thì chiếc xe sẽ nhắc nhở bạn. Khi đã thắt dây đai an toàn nhưng đèn vẫn sáng, hãy kiểm tra lại vì có thể bạn đã lắp sai hoặc hệ thống có vấn đề.
14. Đèn cảnh báo túi khí.  

Hệ thống túi khí sử dụng một bộ cảm biến trọng lượng lắp bên dưới ghế và nó sẽ triển khai khi có người ngồi hoặc có vật dụng nặng trên ghế. Nếu đèn nhấp nháy, hãy kiểm tra càng sớm càng tốt để tránh việc không triển khai túi khí khi xảy ra tai nạn.
15. Đèn báo hệ thống kiểm soát hành trình bật. 


Đây không phải đèn cảnh báo và bạn có thể không biết nó là gì vì không bắt gặp thường xuyên. Nó được thiết kế nhằm thông báo cho người lái biết hệ thống kiểm soát hành trình đã được bật, nếu không thật sự cần thiết hãy tắt nó đi để giảm tiêu hao nhiên liệu.
16. Đèn sương mù. 


Đèn sương mù phía trước.

Đèn này lên sáng khi đèn sương mù phía trước đang bật.
Trên một số xe cũng có đèn sương mù phía sau và nó có biểu tượng :


Đèn sương mù phía sau.

Đây cũng không phải là đèn cảnh báo nguy hiểm, nó chỉ báo cho người lái biết đèn sương mù đang được bật và nếu bạn không chạy trong điều kiện sương mù nặng thì tốt nhất nên tắt nó đi.
17. Đèn báo chuyển số. 


Trên những mẫu xe sử dụng hộp số sàn đôi khi được trang bị đèn này nhằm khuyến khích việc lái xe tiết kiệm nhiên liệu. Khi tốc độ động cơ đủ cao thì đèn này sẽ sáng nhằm báo cho người lái biết để chuyển lên số cao hơn.
18. Đèn báo hệ thống chống trộm trên xe.


Đây là một trong những hệ thống an ninh trên xe, nó sẽ không cho động cơ hoạt động nếu chìa khóa xe được cắm sai vì trên chìa khóa có một đoạn code riêng biệt được các nhà sản xuất mã hóa. Sau khi rút chìa khóa và đóng cửa, đèn này sẽ nháy sáng trong một thời gian ngắn cho biết hệ thống đang hoạt động. Nếu đèn không sáng thì bạn cần kiểm tra lại hệ thống.

Nguồn tin: Đăng kiểm Thanh hóa 36.03D (oto-hui.com)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

H
TT Đăng Kiểm XCG 36.06D
g
 
TT Đăng Kiểm XCG 36.03D
ban do 1
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay816
  • Tháng hiện tại46,016
  • Tổng lượt truy cập2,651,446
Footer
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây